Vấn đề mẹ bị thủy đậu có cho con bú được không, có lây không đang khiến nhiều người phân vân. Nhiều cuộc tranh cãi với những ý kiến khác nhau cũng xảy ra, nhưng chính xác câu trả lời là như thế nào? Chúng ta không nên nói theo cảm nhận chủ quan mà hãy nghe lời các bác sĩ, chuyên gia sức khỏe tư vấn để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé trong tình huống này nhé.

Dấu hiệu nhận biết bệnh thủy đậu

Người thường bị thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ) đã vô cùng “khổ sở” rồi, huống gì là mẹ bỉm đang thời kỳ cho con bú! Bởi vậy bạn nên trang bị một số kiến thức cần thiết để đối phó với tình trạng này phòng khi mắc phải. Đầu tiên, hãy chú ý những dấu hiệu nhận biết bệnh thủy đậu như sau:

Giai đoạn đầu (thời gian ủ bệnh):

Trong khoảng 10 đến 20 ngày khi mắc thủy đậu, người bệnh thường không xuất hiện các biểu hiện cụ thể nào nên không dễ để phát hiện. Đây là thời gian từ khi bệnh nhân bị nhiễm vi rút cho đến lúc phát bệnh.

Giai đoạn 2 (thời kỳ khởi phát):

Sau khi phát bệnh, bạn bắt đầu bị sốt nhẹ, người thấy mệt mỏi, đau đầu. Bên cạnh đó trên cơ thể xuất hiện nốt ban màu đỏ có đường kính vài milimet. Tình trạng này kéo dài khoảng 24 đến 48 tiếng.

Giai đoạn này các dấu hiệu rất giống với bệnh cảm cúm thông thường, vì thế bạn nên chú ý thật kĩ và thăm khám càng sớm càng tốt. Vài trường hợp người bệnh có thể bị viêm họng, nổi các hạch phía sau tai. Khám kịp thời sẽ giúp tình trạng bệnh không phát triển mạnh và điều trị dễ hơn.

Giai đoạn 3 (thời kỳ toàn phát):

Ở thời kỳ này, người bệnh sốt cao hơn, cơ thể mệt rã rời, chán ăn, buồn nôn, đau cơ. Các nốt ban đỏ chuyển thành mụn nước hình tròn có đường kính 1 đến 3 milimet, có dịch bên trong. Vị trí xuất hiện của mụn nước rất đa dạng, có thể ở toàn thân, khó chịu nhất là mọc ở vùng niêm mạc miệng.

Nếu bị nặng, những nốt mụn nước sẽ có kích thước lớn hơn, màu đục hơn và bên trong còn chứa mủ. Có khi bệnh tiến triển mạnh như nhiễm vi trùng, rất lâu lành và dễ bị sẹo sau bệnh.

Giai đoạn 4 (thời kỳ hồi phục):

Nếu không có gì đặc biệt, chẳng hạn như biến chứng, thì các mụn nước bắt đầu bong và khô, dần dần biến mất. Thường thì mất khoảng 3 đến 4 ngày để chúng lặn đi và lúc này ở những vị trí có mụn nước sẽ thâm hơn vùng da xung quanh.

Tham khảo thêm: Người bị thủy đậu có ăn trứng gà vịt được không

Mẹ bị thủy đậu có cho con bú được không, có lây không?

Muốn biết mẹ cho trẻ bú có lây bệnh không thì chúng ta cần biết bệnh thủy đậu lây lan qua những con đường nào. Về lý thuyết, thủy đậu rất dễ lây và lây qua việc đụng chạm, tiếp xúc với các nốt ban hoặc những giọt nước nhỏ trong không gian truyền từ miệng hay mũi của người bệnh đến người xung quanh. Chẳng hạn người bị thủy đậu ho hay nhảy mũi mà nước bắn sang người khỏe thì có khả năng cao người kia sẽ bị nhiễm bệnh.

Mẹ bị thủy đậu có cho con bú được không, có lây không?
Mẹ bị thủy đậu có cho con bú được không, có lây không?

Ngoài ra bệnh thủy đậu còn lây lan qua đường da. Không nên mặc chung quần áo, dùng chung khăn mặt, ga trải giường và các dụng cụ cá nhân khác với người bệnh bởi có thể đó là môi trường của vi rút truyền nhiễm. Thời gian bệnh dễ lây lan nhất là giai đoạn đầu.

Theo các chuyên gia, nếu bạn đang cho con bú mà chẳng may bị thủy đậu thì nguồn sữa cho bé bú vẫn an toàn, không ảnh hưởng gì cả. Tuy nhiên cần tránh việc cho con bú trực tiếp. Vì cơ thể bé sơ sinh còn yếu, sức đề kháng không ổn định nên để phòng tình huống lây bệnh cho con nhỏ thì bạn nên cẩn thận là trên hết.

Đối với người đang cho con bú mà mắc bệnh thủy đậu thì phải chú ý vấn đề vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, tắm rửa bằng nước ấm, uống nhiều nước, ăn đầy đủ dinh dưỡng, dùng thêm nước cam, nước chanh để bổ sung vitamin C. Ngoài ra mẹ cần cách ly hoàn toàn với trẻ nếu bé chưa có dấu hiệu lây bệnh. Không thể xem thường bệnh vì nó có thể để lại biến chứng nguy hiểm. Dù rất nóng lòng muốn chăm, ẵm con nhưng các mẹ phải cố gắng dưỡng bệnh cho hết hẳn rồi mới ôm con cho bú nhé.

Các bác sĩ khuyên bạn không nên cho con ngủ chung, không cho bú trực tiếp. Tuy nhiên nếu bé không chịu bú bình thì bất đắc dĩ bạn phải cho bú nhưng hãy đeo khẩu trang, không trò chuyện với bé trong lúc bú. Mặc khác bạn cũng phải chú ý không làm dịch trên các nốt mụn bắn vào người con khiến bé bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó hãy nhớ cắt móng tay cho trẻ sạch sẽ để tránh trường hợp bé cào vào da mẹ làm vỡ vết rạ làm cho dịch tiết ra.

Những lưu ý cho người bị thủy đậu

Đầu tiên là vấn đề ăn uống, người bệnh thủy đậu cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý, phải biết nên ăn và nên kiêng những món nào là tốt nhất.

Bạn nên bổ sung thêm rau xanh, trái cây, đặc biệt là các loại rau củ. Bên cạnh đó hãy nạp năng lượng bằng thực phẩm giàu kẽm, canxi như ngũ cốc, nấm, các loại hạt, socola,… Nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp. Những món cần kiêng là thực phẩm chứa nhiều chất béo, dầu mỡ, cay nóng, đồ ăn quá mặn. Đặc biệt cần tránh món ăn từ nếp và hải sản.

Vấn đề quan trọng nữa là cách thức điều trị bệnh thủy đậu. Bạn có thể dùng thuốc hoặc tự chăm sóc tại nhà. Các bác sĩ chỉ định người bệnh thủy đậu sử dụng dung dịch tím bôi vào các vết mụn. Khi chúng vỡ ra, hãy dùng dung dịch xanh theo chỉ dẫn và dùng thuốc bôi trị ngứa ở giai đoạn phục hồi. Tuyệt đối không dùng vôi mỡ và thuốc đỏ trong quá trình thủy đậu.

Cần tránh tiếp xúc với người xung quanh, không đến những khu vực đông người. Bạn nên ở nhà, tránh gió vì cơ thể lúc này đang dễ nhiễm lạnh. Tuy nhiên không vì thế mà bạn mặc đồ quá bó sát, quá nóng. Nên lựa chọn quần áo nhẹ và mỏng, rộng rãi dễ chịu. Đồ dùng cá nhân không được để lẫn lộn với của người khác kẻo lây bệnh cho người khỏe.

Phòng tránh lây nhiễm thủy đậu cho trẻ trong mùa bệnh

Trẻ em cần được bảo vệ tuyệt đối khỏi nguy cơ lây nhiễm bệnh thủy đậu. Hiện nay cách tốt nhất và khiến bố mẹ yên tâm hơn cả là tiêm chủng vắc-xin thủy đậu cho trẻ, hiệu quả lâu dài. Lịch tiêm được chỉ định như sau:

– Mũi 1: tiêm khi bé đã trên 12 tháng tuổi.

– Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 3 tháng. Nếu từ 13 tuổi trở lên thì có thể tiêm mũi 2 sau khi tiêm mũi 1 được 1 tháng.

Trường hợp trẻ chưa tiêm chủng ngừa thủy đậu nhưng lỡ tiếp xúc với người bệnh thì bạn cần cho bé đi tiêm chủng ngừa trong vòng 3 ngày sau đó. Trong sinh hoạt hàng ngày phải tuyệt đối thận trọng, giữ an toàn cho bé và mọi người nói chung để tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm.

Đối với trẻ chưa được 1 tháng tuổi thì sẽ rất nguy hiểm nếu người mẹ bị thủy đậu, đặc biệt là trước khi sinh 4 ngày và sau khi sinh 2 ngày trở đi. Lúc này, nếu trẻ cũng bị nhiễm bệnh thì tình trạng sẽ rất nặng vì miễn dịch trong mẹ chưa truyền qua được cho con, do đó vi rút thủy đậu tấn công mạnh. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần đi chích ngừa bệnh thủy đậu để phòng tình huống xấu nhất là sẩy thai hay thai bị dị dạng.

Vừa rồi chúng ta đã tìm hiểu và biết được mẹ bị thủy đậu có cho con bú  được không, có lây không. Các mẹ có con nhỏ hãy tham khảo thật cẩn thận và nếu có phát hiện bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ là bệnh thủy đậu thì hãy thăm khám nhanh chóng để kịp thời ngăn chặn tình trạng diễn biến phức tạp nhé.