Trẻ bị bệnh tay chân miệng có nên uống kháng sinh không được xem là nỗi băn khoăn và thắc mắc của rất nhiều cha mẹ khi có con nhỏ mắc phải căn bệnh này. Bệnh có thể gây nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Do đó để có câu trả lời cho câu hỏi trên, mời bạn hãy cùng theo dõi nội dung trong bài viết dưới đây.

Bệnh tay chân miệng ở trẻ em là bệnh gì?

Tay chân miệng là một bệnh lý truyền nhiễm khá phổ biến gặp rất nhiều ở trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Lý do ở trong độ tuổi này, hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển toàn diện nên không có khả năng chống chọi lại sự tấn công của các virus gây bệnh.

Hai loại virus gây bệnh tay chân miệng chủ yếu là virus coxsackievirus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71) trong đó những trường hợp ở thể nặng tác nhân gây bệnh chủ yếu là EV71. Các loại virus này có thể khả năng lây lan nhanh chóng sang trẻ lành qua đường miệng, chất tiết từ mũi miệng, phân hay nước bọt của trẻ đang mắc bệnh.

Thông thường, sau thời gian ủ bệnh kéo dài từ 3- 6 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của bệnh như: mệt mỏi, quấy khóc, biếng ăn, sốt nhẹ hoặc sốt cao… Vài ngày sau, tại một số vùng da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông sẽ nổi ban và hình thành các mụn nước gây đau đớn, ngứa ngáy khó chịu cho trẻ.

Tay chân miệng nếu ở mức nhẹ thì sau 7- 10 ngày chăm sóc và chữa trị trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu bệnh ở mức nặng và không can thiệp điều trị kịp thời bệnh có thể gây biến chứng suy hô hấp, viêm não, viêm phổi, bại liệt… thậm chí là tử vong.

Trẻ bị tay chân miệng có nên uống kháng sinh?

Hiện nay, bệnh tay chân miệng ở trẻ vẫn chưa có loại thuốc đặc trị nào, việc điều trị chủ yếu chủ yếu vẫn là điều trị các triệu chứng do bệnh gây ra. Do đó các loại thuốc điều trị triệu chứng tay chân miệng thường được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định cho trẻ đó là: thuốc hạ sốt, thuốc chống co giật, các loại thuốc bôi sát khuẩn, dung dịch bù nước- điện giải, vitamin C và kẽm…

Trên thực tế, có không ít cha mẹ quan tâm và băn khoăn về việc có nên cho trẻ sử dụng kháng sinh hay không khi bị tay chân miệng. Về vấn đề này, các bác sĩ chuyên khoa nhi cho biết bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Chính vì vậy nếu trẻ được chẩn đoán là bị tay chân miệng thì không cần dùng đến thuốc kháng sinh để điều trị.

Lý do bởi vì thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt và ức chế vi khuẩn chứ không có tác dụng đặc trị tiêu diệt virus. Trường hợp sử dụng thuốc kháng sinh trong khi bị tay chân miệng chỉ được áp dụng khi có bội nhiễm vi khuẩn và có chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ bừa bãi có thể vô tình dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh sau này rất cao.

Do đó, trong thời gian trẻ bị tay chân miệng hệ miễn dịch của trẻ rất yếu nên các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi và chăm sóc trẻ tại nhà thật tốt. Điều này sẽ tránh được hiện tượng bội nhiễm do các loại vi khuẩn gây bệnh khác tấn công đồng thời giúp cho tình trạng bệnh mau chóng được đẩy lùi.

Trẻ bị tay chân miệng có nên uống kháng sinh không?

Xem thêm: Nguyên nhân bị nhiệt miệng thường xuyên liên tục

Cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà

Nhằm rút ngắn thời gian điều trị bệnh cũng như giúp trẻ tránh được các biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng, các bậc cha mẹ cần chú ý vài điều dưới đây trong việc chăm sóc trẻ tại nhà:

Cách ly trẻ

Bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch lớn do đó khi phát hiện con bị mắc bệnh này, cha mẹ nên cần cách ly trẻ với mọi người xung quanh. Nếu trẻ đang đi học, bạn nên xin phép thầy cô cho trẻ nghỉ ở nhà cho tới khi bệnh khỏi hoàn toàn. Thay vào đó nên cho trẻ nghỉ ngơi ở trong phòng riêng, thoáng mát và sạch sẽ để hạn chế nguồn bệnh lây lan ra bên ngoài cộng đồng.

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ

Khi bị bệnh, hệ thống miễn dịch của trẻ rất yếu do đó cha mẹ cần chú ý cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cho trẻ nhằm nâng cao sức đề kháng để chống chọi lại bệnh tật. Bạn nên chế biến các món ăn dễ tiêu, tránh các loại đồ ăn thô cứng và có vị chua cay bởi dễ gây tổn thương tới các mụn nước trong niêm mạc miệng của trẻ. Nếu trẻ biếng ăn, không chịu ăn bạn nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để đảm bảo nguồn dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.

Chú ý tăng cường các thực phẩm giàu vitamin đặc biệt là vitamin A, C để giúp cải thiện sức đề kháng. Đồng thời cho trẻ uống nhiều nước mát đặc biệt là nước hoa quả giúp đào thải các độc tố của virus ra bên ngoài cơ thể nhanh chóng.

Vệ sinh miệng cho trẻ đúng cách

Các bậc phụ huynh nên chú ý vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng các loại gel sát khuẩn hoặc cho trẻ súc miệng bằng các loại nước sát khuẩn để hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra ở các mụn nước, vết loét ở miệng cũng như giúp giảm bớt cơn đau đớn, khó chịu trong miệng cho trẻ.

Tắm gội cho trẻ sạch sẽ

Rất nhiều cha mẹ cho rằng khi bị tay chân miệng để tránh làm bệnh tiến triển nặng hơn thì cần phải kiêng nước, kiêng gió cho trẻ mà không hề hay biết việc làm này lại vô tình khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo khi trẻ mắc tay chân miệng, cha mẹ không nên cho trẻ kiêng nước mà hãy tắm gội cho bé bình thường bằng nước ấm.

Tuy nhiên, khi tắm nên thao tác nhẹ nhàng để không làm vỡ các bọng nước. Việc tắm gội sạch sẽ sẽ giúp làm sạch da từ đó hạn chế các vi khuẩn gây bệnh tấn công vào các mụn phỏng nước làm bệnh tình mau lành lại hơn.

Không cho trẻ dùng chung đồ chơi với trẻ khác

Trong thời gian trẻ mắc bệnh, bạn tuyệt đối không được để trẻ chơi chung đồ chơi với các trẻ khác để tránh virus gây bệnh lây lan. Bên cạnh đó, các đồ chơi và đồ dùng hàng ngày của bé cũng nên được vệ sinh và khử trùng thường xuyên để tránh bị bội nhiễm.

Vệ sinh sạch sẽ tay chân khi tiếp xúc với trẻ

Những người trực tiếp chăm sóc trẻ nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sát khuẩn đặc biệt là trước khi tiếp xúc với các dịch tiết, phân của trẻ. Nhằm ngăn chặn nguồn bệnh có thể lây lan sang cho người khác đặc biệt là các trẻ nhỏ.

Theo dõi các dấu hiệu bất thường của trẻ

Chú ý quan sát và theo dõi những dấu hiệu bất thường của trẻ trong thời gian bị tay chân miệng. Bạn hãy nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ nhi khoa ngay khi phát hiện trẻ có các biểu hiện như: sốt cao kéo dài trên 48h, ngủ lịm, giật mình, mê sảng, run tay chân, thở nhanh, nôn trớ nhiều lần, đi loạng choạng…

Hi vọng với bài viết trên đây đã giúp giải đáp được thắc mắc cho nhiều cha mẹ về việc trẻ bị bệnh tay chân miệng có nên uống kháng sinh không cũng như cung cấp thêm một số thông tin hữu ích xung quanh căn bệnh phổ biến này. Cảm ơn bạn đã quan tâm và theo dõi bài viết của chúng tôi.

Thông tin tham khảo dành cho bạn: